Tỉnh Tây Ninh đi đầu trong nông nghiệp công nghệ cao (02-08-2018)

Với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của nhân dân tỉnh Tây Ninh cùng tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, điều kiện khí hậu, tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nền nông nghiệp. 

Quỹ đất dành cho nông nghiệp chiếm hơn 85% diện tích tự nhiên, phù hợp với nhiều loại nông sản nhiệt đới; từ đó đưa ra thị trường nhiều mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại

Năm 2017, tỉnh Tây Ninh tiên phong triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xem đây là một giải pháp giúp cho nông dân trong tỉnh nâng cao chất lượng nông sản. Theo dự kiến, tỉnh Tây Ninh sẽ triển khai quỹ đất dành cho nông nghiệp khoảng  15.000 ha đến năm 2020 và  30.000ha đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch rau, củ, quả chuyên canh khoảng 1.000 ha - 1.500ha đến năm 2020  và 4.000 ha đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tỉnh từng bước phát triển nông nghiệp đô thị tại các huyện, theo đó tập trung xây dựng ít nhất ba vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 800 ha đến năm 2020 và 1.800 ha đến năm 2030, gắn đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt phát triển nông sản giá trị cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Khi quyết định triển khai chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Tây Ninh đã xây dựng, hoàn thiện  nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ nông dân đã “đi tắt đón đầu” để triển khai đề án về nông nghiệp công nghệ cao, mà ông Huỳnh Biển Chiêu (xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) là một điển hình cụ thể, với việc làm thương hiệu cho trái mãng cầu Bà Đen (vốn là trái cây nổi tiếng tại tỉnh Tây Ninh). Hiện nay ông đã trồng hơn 17 ha mãng cầu, được chăm sóc theo quy trình VietGAP, bước đầu đã có nhiều khách hàng trong và ngoài nước đặt hàng, đồng thời xuất khẩu sang một số nước.

Ở một số địa phương khác, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đốn bỏ cây trồng hiệu quả thấp, đầu tư các giống cây trồng cho năng suất cao, có đầu ra ổn định. Tiêu biểu như vườn chanh dây rộng 66 ha của ông Nguyễn Văn Còn (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên), hay vườn chanh dây của ông Trần Văn Hưng (xã Tân Đông, huyện Tân Châu). Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, tính đến cuối năm 2017 toàn tỉnh có khoảng 110 ha chanh dây được các hộ nông dân triển khai trồng, bước đầu cho kết quả tích cực.

Những đề án, chính sách linh hoạt, hiệu quả

Để hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều đề án gồm:

- Đề tài nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nâng cao sức sản xuất và sinh sản của trâu, sau thời gian nghiên cứu cho thấy chất lượng con giống thông qua các giải pháp trao đổi đực giống và gieo tinh nhân tạo làm cơ sở cho việc định hướng công tác giống. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình chăn nuôi, chăn thả kết hợp bổ sung thức ăn tại chuồng vào ban đêm nhằm giảm thiểu phần nào phụ thuộc vào bãi chăn thả, tận dụng tối đa các nguồn phụ phẩm (ngọn mía, bắp, rỉ mật, khô dầu) để cải thiện dinh dưỡng cho trâu cái mang thai hoặc trâu vỗ béo.

 
 Nông dân phân loại trái Mãng cầu sau thu hoạch

- Đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và duy trì chất lượng kéo dài thời gian bảo quản nông sản, giúp tăng khả năng thương mại hóa cho các loại cây trồng đặc thù của tỉnh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ gia đình. Qua đó, tỉnh đã xây dựng quy trình công nghệ bảo quản mãng cầu ta và tổ chức thực hiện ở quy mô hộ gia đình, đồng thời tập huấn chuyển giao công nghệ tại các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu và Thị xã Tây Ninh.

- Đề tài đánh giá khả năng sản xuất của con lai giữa bò lai Sind với một số giống bò thịt cao sản trong điều kiện chăn nuôi tại tỉnh Tây Ninh, kết quả đã lai tạo được 150 con lai F1 từ tinh bò đực giống bò: Red Angus, Red Brahman và Red Sindhi. Hiện nay tỉnh đã xây dựng riêng 2 nhóm bò Angus và Brahman.

- Đề tài thực nghiệm đo đạc tính toán tổn thất nước từ cống đầu kênh cấp I đến mặt ruộng trên hệ thống Dầu Tiếng, kết quả đã xác định được lượng nước tổn thất trên hệ thống thủy lợi và từ đó xác định được nguyên nhân và đề xuất giải pháp giảm thiểu tổn thất nước trên hệ thống, làm cơ sở nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong quản lý, vận hành hệ thống cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với dự án nông thôn miền núi, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh đã xây dựng dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất một số loại cây ăn quả”. Qua đó, Sở khoa học và Công nghệ đã chuyển giao được 6 quy trình kỹ thuật, xây dựng 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bao gồm: mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP đạt chứng nhận với tổng diện tích 22,7 ha; mô hình rải vụ mãng cầu ta áp dụng kỹ thuật mới với diện tích 4 ha, nhà vườn có kỹ năng rải vụ trái mãng cầu ta; mô hình tỉa thưa trái mãng cầu ta nhầm tăng phẩm chất và giá trị trái trên diện tích 2 ha; mô hình phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh trên cây nhãn với diện tích 3 ha; mô hình thâm canh áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trên cây ổi với diện tích 2 ha. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tập huấn cho 200 nông dân về quy trình, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

 
Chăn nuôi bò thịt cao sản hướng đi bền vững ổn định kinh tế nông nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết, tỉnh đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó sẽ chọn phát triển nền nông nghiệp sạch, gắn với các loại nông sản hữu cơ. Theo đó, tỉnh đã xác định liên kết giữa các khâu sản xuất hình thành chuỗi nâng cao giá trị nông sản, chú trọng gắn kết giữa sản xuất với thị trường. Hiện tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gồm: Chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; chính sách đặc thù kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh./.

Quảng cáo