Tiềm năng của thị trường 1,4 tỷ người và sự tương thích về cung - cầu chính là cơ hội để Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh giao thương về nông sản và thực phẩm chế biến, đặc biệt là giai đoạn sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi.
Hội thảo “Việt Nam - Ấn Độ: Xúc tiến thương mại Nông sản và Thực phẩm chế biến” nằm trong chuỗi sự kiện được tổ chức trực tuyến giữa hai nước nhằm chuẩn bị các cơ hội kinh doanh cho giai đoạn trong và sau đại dịch Covid-19. Tại hội thảo, gần 250 đại biểu, doanh nghiệp hai nước đã tìm hiểu những thông tin cập nhật về tình hình, triển vọng thị trường và cùng trao đổi về những khả năng hợp tác thương mại nông sản, thực phẩm chế biến giữa hai nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết: Trong thời điểm vừa chống chọi với đại dịch Covid-19, vừa nỗ lực đưa nền kinh tế quốc gia khởi sắc trở lại, chính phủ Việt Nam đang dành những ưu tiên hàng đầu cho thương mại nông sản, thực phẩm. Công tác xúc tiến thương mại cho lĩnh vực này không vì tác động của Covid-19 mà phải tạm ngưng. Ngược lại, Việt Nam đang hết sức nỗ lực kiến tạo và triển khai các giải pháp mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối thường xuyên, liên tục với các đối tác tiềm năng nước ngoài nói chung và Ấn Độ nói riêng.
Hiện tại, Ấn Độ là thị trường lớn ở khu vực Trung Nam Á với gần 1,4 tỷ dân, có tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm thế mạnh của Việt Nam như trái cây tươi và chế biến, chè, hạt tiêu, cao su, bánh kẹo, cá tra, các sản phẩm từ ngũ cốc… Tuy nhiên, lượng và kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam vào Ấn Độ còn vô cùng khiêm tốn so với sức mua rất lớn của Ấn Độ. Cùng quan điểm này, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cũng nhấn mạnh ưu tiên đa dạng hóa thị trường là bước đi sống còn trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
“Nếu như trong đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản, lĩnh vực nông sản hàng hóa vẫn tiếp tục tăng trưởng. Người ta có thể không đi máy bay, không đi du lịch, không đi nghỉ dưỡng, không đến rạp xem phim nhưng không ai là không thể ăn. Và dường như người ta muốn ăn nhiều hơn, ngon hơn và đa dạng hơn. Đó chính là tiềm năng hợp tác rất lớn giữa 2 nước chúng ta. Bởi cả 2 nền kinh tế đều có thị trường rất lớn.
Điểm thứ 2 rút ra từ bài học đại dịch đó là chúng ta phải đa dạng không chỉ nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho chúng ta mà còn phải đa dạng hóa cả thị trường. Chúng ta phải nghĩ tới các thị trường khác để thay thế mỗi khi có vấn đề như là dịch xảy ra. Ấn Độ là thị trường với sức mua ngày càng tăng và họ có nhu cầu với thực phẩm của VN” - Đại sứ Phạm Sanh Châu nói.
Trong bối cảnh các hoạt động giao thương quốc tế gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, các nhà nhập khẩu Ấn Độ đang quan tâm tới thị trường Việt Nam. |
Trong bối cảnh các hoạt động giao thương quốc tế gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, các nhà nhập khẩu Ấn Độ đang quan tâm tới thị trường Việt Nam, nơi đã kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu quay trở lại với trạng thái bình thường. Ngoài ra, các sản phẩm nông sản VN như hương liệu thực phẩm, thanh long, ca-phê, ca-cao, thủy sản… từ lâu đã được người tiêu dùng Ấn Độ đánh giá cao.
“Việt Nam rất nổi tiếng vì xuất khẩu nhiều loại hương liệu thực phẩm như tiêu đen, hồi, thảo quả… Các doanh nghiệp Việt Nam có thể chế biến sâu hơn và đóng gói thành sản phẩm gia vị masala có thương hiệu rõ ràng. Mặt hàng này có nhu cầu rất lớn tại Ấn Độ. Các loại hương liệu masala của Pakistan từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ nhưng đang gặp khó khăn vì lệnh cấm giao thương Ấn Độ - Pakistan. Vì thế, thị trường hương liệu thực phẩm tại Ấn Độ vẫn đang bỏ ngỏ. Các công ty Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tiến vào thị trường Ấn Độ” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Các nhà nhập khẩu Ấn Độ Atul Kumar Saxena cho biết.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Các nhà nhập khẩu Ấn Độ, có khoảng 10 mặt hàng nông sản của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại thị trường Ấn Độ nếu có chiến lược tiếp cận phù hợp. Thời gian tới, hai bên sẽ tổ chức nhiều hơn các sự kiện xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tìm hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp an toàn vượt qua đại dịch Covid 19./.