Trong 3 năm trở lại đây, giá thu mua mía cây do các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh áp dụng giảm mạnh theo từng năm. Vụ mía 2015-2016, giá được các nhà máy thu mua khoảng 1, 5 triệu đồng/tấn mía cây, đến vụ mía năm 2016-2017, giá còn khoảng 900 ngàn đồng/tấn và hiện nay, giá mía vụ 2017-2018, giá được nhà máy thu mua khoảng 700 ngàn đồng/tấn.
Một người trồng mía lâu năm tại xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) cho biết, với giá mía cây khoảng 700 ngàn đồng/tấn người trồng mía lỗ nặng. Nếu 1 ha mía đạt 100 tấn, nhà máy bao tiêu 8 chữ đường 100 tấn mía bán được khoảng 56 triệu đồng. Thế nhưng chỉ riêng tiền thuê công chặt mía đã 25 triệu đồng.
Như vậy, người trồng mía còn khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư trồng mới 1 ha mía và chi phí chăm sóc cho đến ngày thu hoạch khoảng 40 triệu đồng. Ðiều đáng nói là, mía cho năng suất 100 tấn/ha không phải là cao.
Ông Lê Huy Thành, Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp nhà máy TTCS, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà cho biết, giá thu mua mía cây giảm trong những năm qua là thực trạng chung cả nước. Ðiều này đã khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với cây mía, dù nhà máy luôn có những chính sách đồng hành cùng nông dân.
Tuy nhiên, để người nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, doanh nghiệp chế biến mía đường phải làm sao cho người nông dân có được lợi nhuận hợp lý. Do đó, nhà máy đã nghiên cứu quy trình trồng mía mới để hướng dẫn nông dân áp dụng trong vụ mía 2018-2019. Ðẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hoá trong canh tác mía.
Trước đây, chỉ riêng tiền công cày mới 1 ha mía, nông dân tốn 5 triệu đồng; cộng với chi phí chăm sóc, bón phân, xịt cỏ... khoảng 41 triệu đồng. Còn với quy trình mới mà nhà máy vừa hướng dẫn nông dân tổng chi phí khoảng 25 triệu đồng/ha. Việc hạ giá thành sẽ làm tăng lợi nhuận cho nông dân.
Ông Thành cho biết, việc áp dụng quy trình trồng mía mới không cần diện tích lớn, chỉ khoảng 2 ha là có thể áp dụng. Ðồng thời trong quá trình canh tác, người trồng mía phải tuân thủ đúng hướng dẫn về quy trình chăm sóc do nhân viên nhà máy hướng dẫn.
Máy bừa cỏ kết hợp với xịt thuốc áp dụng cho ruộng mía trong giai đoạn phát triển (ảnh do công ty cung cấp).
Hiện có 46 địa điểm dịch vụ cơ giới có ký hợp đồng với nhà máy tại các khu vực trồng mía, thời gian qua đã cung cấp các dịch vụ như cày đất, cung ứng phân bón... cho người trồng mía, nhà máy ứng tiền trả trước cho nông dân với mức lãi suất chấp nhận được.
Theo ông Thành, để người nông dân tin tưởng vào hiệu quả của quy trình trồng mía mới cần phải có thời gian. Trước khó khăn của ngành mía đường, giá thu mua mía cây giảm mạnh, ông Thành dự đoán vụ mía 2018 - 2019 diện tích tại Tây Ninh sẽ tiếp tục giảm.
Hiện vụ 2017-2018, diện tích mía ở Tây Ninh có khoảng 21.000 ha. Ông Thành dự đoán vụ mùa 2018-2019 sẽ còn khoảng 16 ngàn ha. Ông hy vọng trong thời gian tới, hiệu quả từ việc áp dụng quy trình trồng mía mới sẽ khuyến khích nông dân gắn bó với cây mía.
Trước mắt, nhằm đồng hành, chia sẻ những khó khăn với người trồng mía, riêng trong vụ 2018-2019, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà đã ban hành chính sách đầu tư. Theo đó, tiền hỗ trợ thuê đất, Công ty ứng vốn thuê đất tối đa tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu là 24 triệu đồng/ha/3 vụ, các khu vực còn lại của tỉnh là 16 triệu đồng. Ngoài ra, nhà máy còn ứng vốn hỗ trợ người trồng mía đầu tư tưới và hạ tầng như: khoan giếng, đào hồ chứa nước, hệ thống điện, máy bơm...
Riêng mức hỗ trợ vốn đầu tư trực tiếp cơ bản như trồng, chăm sóc đối với mía tơ... (dự tính 1 ha là 25 triệu đồng), công ty ứng vốn 13 triệu đồng/ha và trợ giá 12 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, công ty ban hành định mức đầu tư, chi phí chăm sóc đối với mía gốc mỗi ha 11 triệu đồng (trong đó công ty ứng vốn 7,2 triệu đồng/ha và trợ giá 3,8 triệu đồng/ha đối với mía trồng trên địa bàn tỉnh).
Ngoài ra, công ty có chính sách đầu tư bổ sung cho mục đích thâm canh đối với nhóm khách hàng vip, khách hàng vàng. Ðể được nhận các chính sách hỗ trợ này, người trồng mía phải đáp ứng các điều kiện công ty đưa ra trong thông báo về chính sách đầu tư vụ trồng 2018-2019.