HỘI NGHỊ KẾT NỐI CUNG CẦU HÀNG HÓA TỈNH TÂY NINH VÀ TỈNH VĨNH LONG (12-06-2019)
Trung tâm Xúc tiến Thương mại Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Vĩnh Long tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa cho gần 40 doanh nghiệp, nhà phân phối của hai tỉnh.

Đến với Kết nối cung cầu hàng hóa lần này, tỉnh Vĩnh Long trưng bày 13 sản phẩm là đặc sản đặc trưng của 13 doanh nghiệp sản xuất và chế biến của tỉnh như: gạo hữu cơ, khô cá lóc, nông sản sấy, chất tẩy rửa sinh học, cam sành hữu cơ, nem, chả, patê, đồ mỹ nghệ...

Tỉnh Tây Ninh cũng trưng bày và giới thiệu đến các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long 18 sản phẩm là đặc sản của tỉnh như: muối ớt, bánh tráng, yến sào, trà Tâm Lan, mãng cầu Natani, rượu Nam Phong, các sản phẩm từ cây Đinh Lăng...

Tại Hội nghị đã có 30 biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ được trao giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, cửa hàng kinh doanh.Đây là cơ hội cho chủ cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ, ... được gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, tìm hiểu sản phẩm để liên kết, hợp tác, mở rộng thị trường và chia sẻ kinh nghiệm giữa doanh nghiệp của 2 tỉnh.

Doanh nghiệp của tỉnh Tây Ninh đã có những bước phát triển rất khả quan nhưng thực tế vẫn còn gặp phải những vấn đề chung của cả nước, đó là: Thị trường tiêu thụ chưa ổn định; các sản phảm có thương hiệu chưa nhiều, chưa có công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh còn hạn chế… Do đó, thông qua hội nghị này, Tây Ninh mong muốn thiết lập, củng cố và phát triển mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng với các kênh phân phối; từ đó quảng bá hình ảnh, đưa sản phẩm của doanh nghiệp Tây Ninh vào hệ thống phân phối tỉnh Vĩnh Long và ngược lại. Bên cạnh đó, hai bên cam kết sẽ cung ứng về số lượng, chủng loại, chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, nhằm bảo đảm khả năng phân phối và tiêu thụ. Đồng thời kỳ vọng các mặt hàng sẽ tìm được thị trường tiêu thụ ổn định làm cơ sở để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt là xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… hướng đến một nền nông nghiệp sạch.

Xác định phát triển thị trường là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy sản xuất, tiếp tục đổi mới và phát triển, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương với các tỉnh, thành gắn với định hướng phát triển và khai thác hiệu quả thị trường nội địa. Các chương trình giao thương, kết nối cung cầu và các hoạt động phát triển thị trường trong nước đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, từ đó có chiến lược, kế hoạch cụ thể nhằm tìm kiếm, phát triển, mở rộng thị trường của mình.

Ông Lê Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh cho biết, Từ năm 2018 đến nay, Tây Ninh đã tổ chức hơn 500 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nghị liên kết, hội chợ triển lãm, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh, các doanh nghiệp đã ký kết nhiều bảng ghi nhớ tiêu thụ hàng hóa với các tỉnh thành khác và nhiều bảng hợp đồng kinh tế... Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp của tỉnh, đáp ứng nguồn cung của thị trường và các tỉnh thành lân cận, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thường xuyên của người dân và góp phần bình ổn thị trường.

Quảng cáo