Thực hiện thoả thuận hợp tác và phát triển trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tiến tới đô thị thông minh giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính viễn thông, đến nay, Tập đoàn Bưu chính viễn thông xây dựng xong sàn nông sản điện tử của tỉnh triển khai thí điểm trong sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội.
Để đưa vào vận hành sàn nông sản điện tử tỉnh Tây Ninh hiệu quả, góp phần giới thiệu, quảng bá các nông sản có chất lượng của tỉnh trên môi trường điện tử, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương quản lý tài khoản quản trị để xét duyệt các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký đưa sản phẩm lên sàn thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Trong đó, Sở Công Thương giám sát các hoạt động mua bán trên sàn theo quy định về thương mại điện tử. Viễn thông Tây Ninh triển khai sàn, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho các doanh nghiệp tham gia sàn; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án thu phí tham gia sàn của các doanh nghiệp khi đủ điều kiện.
Sở Thông tin và Truyền thông cài đặt hệ thống tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh bảo đảm an toàn an ninh thông tin; phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương và Viễn thông Tây Ninh tổ chức tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp quan tâm và tham gia sàn.
Thực hiện việc triển khai, thiết lập hệ thống sàn nông sản điện tử tỉnh (https://sannongsan.tayninh.gov.vn/), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị các Trạm trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách các tổ chức và cá nhân đăng ký đưa sản phẩm tham gia sàn nông sản điện tử tỉnh.
Đối tượng tham gia là tổ chức/cá nhân có sản phẩm nông sản (rau, củ, quả…) trên địa bàn tỉnh. Điều kiện tham gia phải đạt ít nhất 1 trong 4 giấy sau: giấy phép đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận VietGAP; giấy chứng nhận GlobalGAP.
Anh Dương Nguyễn Phúc- chủ trang trại Phúc Lợi Farm (phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh) cho biết, trang trại của anh trồng dưa lưới với diện tích khoảng 2 công (2.000m2), bình quân một vụ thu hoạch khoảng 6 tấn, một năm cho sản lượng khoảng 24 tấn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, anh đang làm việc với đối tác để có chứng nhận sản phẩm GlobalGAP.
Các thông tin sản phẩm của trang trại gồm dưa lưới vỏ vàng, dưa lưới vỏ xanh… đã được đăng trên sàn khoảng một tháng nay. Anh Phúc chia sẻ: “Sàn nông sản điện tử là cầu nối để quảng bá sản phẩm có nguồn gốc, sản phẩm sạch tại Tây Ninh, người tiêu dùng an tâm, tin tưởng vào nông sản, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh”.
Tuy nhiên, anh Phúc cũng cho biết, hiện nay còn chưa có nhiều người biết đến sự hiện diện của sàn nông sản này, chưa biết chức năng của nó như thế nào, do đó, cần tăng cường quảng bá trang web để cho nhiều người biết đến hơn.
Đại diện Viễn thông Tây Ninh (VNPT Tây Ninh) cho biết, sau thời gian triển khai thí điểm sàn nông sản điện tử tại sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, thời gian qua, sàn nông sản điện tử của tỉnh được tổ chức, cập nhật lại thông tin của doanh nghiệp để hoạt động theo quy định. Dự kiến có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp này đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên công tác triển khai của đơn vị gặp một số khó khăn. Hiện tại, đơn vị đã lấy thông tin, training cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia sàn để các tổ chức, cá nhân tham gia biết cách quản lý gian hàng trên mạng của mình.
Về đặc điểm, sàn nông sản điện tử cũng giống những trang web thương mại điện tử khác, nhưng có một điểm khác là có sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý, các doanh nghiệp đưa lên sàn độ tin cậy gần như 100%, từ đó, người tiêu dùng truy cập trên sàn có thể yên tâm mua sắm. Các tổ chức, cá nhân tham gia sàn phải được kiểm duyệt và đạt các tiêu chuẩn, điều kiện.
Việc triển khai sàn nông sản điện tử gồm hai bước: Bước thứ nhất là giới thiệu các mặt hàng, sản phẩm của Tây Ninh trên trang web, qua đó, tạo sự kết nối giữa người dân với các doanh nghiệp đủ điều kiện, tiêu chuẩn để họ biết đến nhau. Bước thứ hai tiến hành mua bán, thanh toán trực tuyến.
VNPT Tây Ninh cho biết, dự kiến khoảng đầu tháng 5.2020, sàn nông sản điện tử sẽ chính thức khai trương và hoạt động trở lại, đơn vị sẽ triển khai thanh toán trực tuyến trên sàn. Doanh nghiệp cũng phải có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt nhân lực (người am hiểu về lĩnh vực IT), đầu tư cho gian hàng trên mạng.
Trúc Ly
- Kết nối với doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) (08-05-2020)
- Chúc mừng Doanh nhân đạt Thương hiệu Quốc gia (20/4/2021) (08-05-2020)
- Thông báo, mời tham gia chương trình bình chọn “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam” năm 2020 (08-05-2020)
- Thông báo, mời tham gia Diễn đàn “Doanh nghiệp ASEAN + 3 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ). (08-05-2020)
- Chương trình “Mỗi tuần, mỗi sản phẩm” để quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh Tây Ninh (08-05-2020)